Lượt xem: 404

Người dân nên dập dịch sâu đầu đen ngay để tránh gây thiệt hại cho cây dừa

Khoảng 2 tháng trở lại đây, một số hộ dân trồng dừa tại xã Long Đức, huyện Long Phú phát hiện vườn dừa bị chết hàng loạt chỉ trong thời gian ngắn, hộ dân rất hoang mang lo lắng và tìm hiểu nguyên nhân dừa chết thì phát hiện ra trên thân dừa, đặc biệt là bên dưới từng lá dừa có hàng loạt sâu bám vào; theo ngành chức năng, đây là loại sâu mới có tên khoa học là Opisina arenosella Walker. H, thường gọi là sâu đầu đen.

    Đưa chúng tôi ra thăm vườn dừa vừa chết sạch cây, bà Trần Ngọc Liêm - ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú cho biết: “Khoảng 2 tháng nay, hơn 2 công vườn dừa của gia đình tôi không có trái dừa nào để bán và hầu hết các cây dừa đã chết rụi vì sâu đầu đen tấn công. Trước đây, vườn dừa mỗi tháng thu hoạch khoảng 600 - 650 trái dừa tươi, thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng, số tiền này tôi dùng cho chi phí sinh hoạt hàng ngày, giờ thì trắng tay. Do vườn dừa gần nhà, tôi cũng thường ra vào theo dõi, ban đầu thấy có 1 cây dừa bỗng nhiên lá bị khô vài ba tàu chỉ nghĩ đơn giản chắc lâu năm dừa bị chết dần, nhưng không ngờ chỉ trong khoảng 2 - 3 tuần thì một số cây dừa kế bên đang xanh tốt cũng gặp tình trạng tương tự, cứ nghĩ dừa bị bệnh nên tôi mua phân, thuốc về phun, nhưng dừa vẫn gặp tình trạng khô lá hàng loạt và chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy 1 tháng, toàn bộ vườn dừa bị khô lá dẫn đến cây dừa bị chết. Gia đình đốn bỏ vài cây thì nhìn thấy trên dừa có rất nhiều sâu đầu đen bám trên lá, trên thân dừa và kể cả đọt dừa”.


Vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công dẫn đến chết cây. Ảnh Thúy Liễu

 

    Cách vườn dừa bà Liêm, vườn dừa gần 7 công đất của bà Châu Thị Tú Anh - ấp Lợi Đức, xã Long Đức cũng bị sâu đầu đen tấn công với hơn 3 công dừa bị sâu đầu đen làm chết, số dừa còn lại bà đã chặt bỏ hết các cành sâu bị ăn và đang ương dưỡng lại cây. Bà Tú Anh bộc bạch: “Vườn dừa là nguồn thu nhập lớn cho gia đình, trung bình mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng, nhưng chỉ trong vòng 01 tháng dừa bị sâu đầu đen tấn công thì hơn 50% diện tích dừa bị chết, diện tích dừa còn lại tôi chặt gần hết lá để ngăn chặn sâu cắn phá nên tôi không có thu nhập 2 tháng nay”.

    Theo thông tin từ ngành chuyên môn, sâu đầu đen không giống như các loài sâu hại khác, bởi sâu có kích thước nhỏ, lúc sâu nhỏ đầu đen, lớn thì màu nâu, có sọc nâu chạy dọc cơ thể, thời gian sống trên 65 ngày và giai đoạn ấu trùng (sâu non), sâu cắn phá mạnh nhất trên cây dừa, cùng với đó khi sâu trưởng thành sẽ bắt cặp tiếp tục đẻ ra trứng và nở ấu trùng, nên khi cây dừa bị sâu thì số lượng cứ tăng lên; ấu trùng sâu sẽ nằm phía dưới lá dừa, nhả tơ tạo thành một lớp màng phủ bao quanh, bởi sâu cạp lá dừa sẽ thải ra phân và sâu sẽ trốn trong lớp phân đó để di chuyển ăn hết lá dừa này, đến lá dừa khác, khi sâu nhân lên số lượng nhiều, ăn xong hết phần lá dừa sâu sẽ chuyển sang trái dừa và ăn lên tận đọt dừa (ấu trùng sẽ cắn phá dừa liên tục khoảng 1,5 tháng). Do sâu trốn trong lớp phân dày nên các loại chim chóc khó phát hiện sâu để ăn và nhìn bằng mắt thường rất khó phát hiện; nếu nhà vườn biết có sâu, việc phun xịt thuốc cũng gặp khó do sâu trốn trong lớp phân bao phủ và nằm phía dưới lá dừa, thuốc trừ sâu không thấm đến được.

    Phó Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Phú - Huỳnh Hữu Hiếu khuyến cáo: “Để bảo vệ vườn dừa trước dịch sâu đầu đen, nông dân nên áp dụng biện pháp tạm thời là thăm vườn thường xuyên, để kịp thời phòng trừ sâu, đặc biệt là nhà vườn phải xác định được sâu đầu đen và nhận ra được trứng sâu để nhanh chóng “dập dịch” cách sinh học như: Cắt bỏ tàu dừa có sâu và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc vùi tàu lá dừa xuống nước; bên cạnh đó, sử dụng một số loại thiên địch như: Bọ đuôi kiềm vàng, ong ký sinh, kiến vàng, bọ xít bắt mồi để tiêu diệt sâu đầu đen; nếu vườn bị sâu gây hại nhẹ có thể dùng thuốc trừ sâu sinh học nấm xanh, nấm trắng để phun nhiều lần cách nhau 5 - 7 ngày, chú ý phun thuốc từ gốc phun lên sẽ xé rách nơi cư trú của sâu nằm dưới lá, tiêu diệt sâu sẽ hiệu quả hơn. Nếu vườn bị sâu gây hại nặng, khi tuổi sâu nhỏ phun thuốc trừ sâu gốc Flubendiamide Takumi 20WG liều lượng 5gam/bình 25 lít nước, phun từ 4 -5 cây tùy tuổi dừa, nên phun ướt đẫm đều 2 mặt lá.


Thả bọ đuôi kiềm là biện pháp sinh học khống chế sâu đầu đen. Ảnh Thúy Liễu

 

    Chi Cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh - Trần Vĩnh Nghi thông tin: Toàn tỉnh hiện có 7.000 ha trồng dừa, trong đó huyện Long Phú có gần 1.900 ha và diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen tại xã Long Đức khoảng 7 ha. Theo ghi nhận, sâu đầu đen có tốc độ lây lan nhanh, dừa bị sâu tấn công sẽ làm lá cháy khô và dẫn đến chết cây, ảnh hưởng đến sản xuất dừa của tỉnh. Qua đó, đơn vị đề nghị địa phương cần nắm, theo dõi diễn biến sâu đầu đen tại các vườn dừa đang nhiễm sâu, báo cơ quan chuyên môn có biện pháp quản lý phòng ngừa kịp thời. Đồng thời, khuyến cáo hộ dân khi dừa bị sâu cắn phá cần cắt tỉa cành và tiêu hủy liền, tránh sâu lây lan ra diện rộng. Hiện nay, chưa có quy trình cụ thể phòng trừ sâu đầu đen, tuy nhiên đơn vị phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, xây dựng quy trình tạm thời phòng trừ dịch hại này và dùng một số đối tượng sinh học khống chế sâu như: Bọ đuôi kiềm, ong ký sinh, nấm xanh… thả trên dừa và phun trừ sâu để hạn chế sự lây lan sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 50
  • Hôm nay: 7969
  • Trong tuần: 78,676
  • Tất cả: 11,801,996